Sản xuất hồ tiêu gặp khó

15/07/2017
Sản xuất hồ tiêu gặp khó
Sau thời gian dài ở mức cao, hiện giá hồ tiêu trong nước đang giảm mạnh. Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của việc phát triển “nóng” diện tích, bất chấp các khuyến cáo.
  Tại nhiều vùng trồng tiêu trọng điểm như Châu Đức, Xuyên Mộc (Bà Rịa – Vũng Tàu), Hớn Quản, Lộc Ninh (Bình Phước), Buôn Hồ, Cư Kuin (Đắk Lắk), Đắk Song, Đắk RLấp (Đắk Nông), Chư Sê (Gia Lai), giá hồ tiêu từ đầu tháng 5/2017 tới nay giảm dần. Số giao dịch thành công thấp do phần lớn dân chưa có ý định bán thời điểm này.
 
Nguyên nhân khiến giá hồ tiêu liên tục giảm do niên vụ 2016 - 2017 được mùa hồ tiêu, sản lượng tăng cao, nhiều khách hàng nước ngoài đã gây áp lực, hạn chế mua vào, ép giá. Bên cạnh đó, phá vỡ quy hoạch cũng là nguyên nhân gây dư thừa nguồn cung, khiến giá giảm sâu. Theo Ban chỉ đạo Tây Nguyên, do giá tiêu hồ liên tục tăng cao trong nhiều năm gần đây, có lúc tăng lên 230.000 đồng/kg và lợi nhuận cao gấp 3, 4 lần so với trồng cà phê, điều… nên nhiều nông hộ ở Tây Nguyên bất chấp khuyến cáo của địa phương và các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích.
 
Trước thực tế này, ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam - khuyến cáo người dân không nên bán tiêu dưới mức 80.000 đồng/kg bởi nhu cầu hồ tiêu hiện nay của thế giới vẫn khá lớn (khoảng 200.000 tấn). Bên cạnh đó, người sản xuất cần hết sức quan tâm tới diễn biến, tín hiệu của thị trường thế giới để có định hướng nhằm tránh rủi ro. Người dân không nên phát triển thêm diện tích, chỉ trồng hồ tiêu ở những vùng canh tác thuận lợi.
 
Được biết, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng hồ tiêu của các thị trường nhập khẩu, mới đây Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã phối hợp với Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam ký kết hợp tác liên kết sản xuất hồ tiêu. Theo đó, Hiệp hội Hồ tiêu vận động DN và nông dân tham gia liên kết, tìm đầu ra cho sản phẩm; Cục Bảo vệ thực vật hướng dẫn nông dân sản xuất an toàn và phối hợp với hiệp hội cấp mã số vùng trồng.
Minh Hằng
caosu.net.vn