Cao su thuộc nhóm hàng mất giá mạnh nhất do dư thừa

22/09/2015
Cao su thuộc nhóm hàng mất giá mạnh nhất do dư thừa
Giá cao su giao dịch kỳ hạn tại Tokyo đang gần xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm qua.
 Trong lúc giá hàng hóa nguyên liệu thế giới lao dốc những tuần gần đây, cao su nổi lên là mặt hàng giảm giá nhiều nhất do nguồn cung dư thừa. Giá đồng giảm 15% so với cách đây 3 tháng, giá dầu thô WTI giảm 23% còn giá cao su tại sàn giao dịch hàng hóa Tokyo thì giảm tới 27% còn 167,8 Yên (1,39 USD)/kg, gần mức thấp nhất 6 năm.
 
Giá cao su giảm cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang chậm lại ở một số thị trường chính trong khi các nhà sản xuất cao su không hề hạn chế sản lượng đầu ra trong những năm gần đây. Ông Chris Pardey – Trưởng bộ phận giao dịch hàng hóa vật chất của tập đoàn RCMA Singapore – nhận xét: “Giá cao su giảm là do cung cầu thế giới. Chúng ta đã chứng kiến 3 năm dư thừa sản lượng và cao su dự trữ.”

 

 Khai thác cao su tại Malaysia
 
Theo Tổ chức Nghiên cứu cao su quốc tế (IRSG) – một tổ chức liên chính phủ tại Singapore bao gồm các nhà sản xuất và tiêu dùng – số liệu gần nhất cho thấy thế giới dư hơn 3 triệu tấn cao su tính đến cuối quý I/2015. Nguồn dự trữ này đủ để cung cho thị trường trong vòng hơn 3 tháng.
 
Nguồn cung cao su còn tiếp tục dồi dào ngay cả khi Hội đồng Cao su quốc tế ba bên bao gồm Indonesia, Thái Lan và Malaysia đã nỗ lực cắt giảm sản lượng cao su của mình khiến sản lượng cao su toàn cầu giảm vào cuối năm 2014, nhưng mức giảm này chỉ có giới hạn.
 
Tổng sản lượng cao su của 11 nước thành viên Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên, chiếm khoảng 92% tổng cung cao su thế giới, đã giảm 2,1% trong 7 tháng đầu năm 2015. Tuy nhiên nguồn cung dự trữ vẫn còn nhiều, tiếp tục tạo áp lực giảm giá với cao su. Thêm vào đó, các dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc yếu đi và sự sụt giảm chung của thị trường chứng khoán thế giới càng đẩy giá cao su đi xuống. Tính đến nay, Trung Quốc là nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% nhu cầu toàn cầu.
 
Cao su là sản phẩm sử dụng cho công nghiệp, do vậy nó chịu tác động từ tình hình kinh tế nói chung nhiều hơn so với các cây trồng khác. Điều này khiến cho thị trường càng lo lắng hơn về kinh tế Trung Quốc, đặc biệt kể từ khi chính phủ nước này bất ngờ hạ giá đồng Nhân dân tệ vào tháng 8/2015. Các nhà đầu tư giải thích động thái này cho thấy dấu hiệu kinh tế khó khăn và triển vọng nhu cầu tiêu thụ sẽ còn thấp hơn dự tính. Đồng Nhân dân tệ suy yếu cũng khiến cao su trở nên đắt hơn đối với người mua ở Trung Quốc. Một số nhà đầu cơ cũng đổ lỗi cho việc quá nhiều người đặt cược cho giá đi xuống làm trầm trọng hơn sự sụt giảm giá cao su hiện nay.
 
Hiện nay, khi càng ngày càng có nhiều thương nhân và quỹ đầu tư tham gia vào thị trường giao dịch cao su kỳ hạn, thì giá cao su đang cho thấy phản ứng lo ngại về triển vọng kinh tế vĩ mô nhiều hơn là sự cân bằng giữa cung và cầu. Ông Gu Jiong – một nhà phân tích tại Yutaka Shoji, Tokyo – cho biết: “Giá cao su giảm do các nhà đầu tư không quan tâm đến nhu cầu thực tế, họ chỉ nhìn theo thị trường chứng khoán Trung Quốc và nhận định rủi ro không tốt rồi họ đặt cược giá giảm.”
 
Theo vinanet