Cổ phiếu cao su tăng mạnh nhưng, nhà đầu tư cần lưu ý

17/03/2016
Cổ phiếu cao su tăng mạnh nhưng, nhà đầu tư cần lưu ý
Nhóm cổ phiếu cao su tự nhiên vừa quay lại “watch list” của không ít nhà đầu tư nhờ giá cao su phục hồi. Tuy nhiên, lao theo sóng cổ phiếu cao su, nhà đầu tư cần biết điều này.
 Sau khi tạo đỉnh vào năm 2011, giá cao su tự nhiên đã trải qua 4 năm liên tiếp sụt giảm và yếu tố này đã ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp trong ngành.
 
Rõ nét nhất là trường hợp Cao su Phước Hòa, một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong ngành cao su tự nhiên đang niêm yết khi liên tiếp sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận. Nếu như năm 2011, Phước Hòa đạt doanh thu 2.583 tỷ đồng, LNST 827 tỷ đồng thì đến năm 2015, con số này chỉ còn 1.227 tỷ đồng và 215 tỷ đồng.
 
Giá bán mủ cao su của Phước Hòa rơi từ mức 94,5 triệu đồng/tấn năm 2011 xuống còn 31,5 triệu đồng/tấn vào năm 2015, tương ứng mức giảm 67%.

Giá bán mủ cao su liên tục sụt giảm

 
Với KQKD kém tích cực cùng triển vọng ngành chưa có gì sáng sủa, không quá bất ngờ khi cổ phiếu cao su tự nhiên không nằm trong “watch list” của nhiều nhà đầu tư.
 
Tuy vậy, quan điểm này đã thay đổi hoàn toàn kể từ đầu tháng 3 năm nay khi nhóm cổ phiếu “vàng trắng” này đã có những diễn biến hết sức bất ngờ theo chiều hướng tích cực.
 
Cụ thể, tính tới hết phiên giao dịch 10/3, TRC (cao su Tây Ninh) tăng 33%; PHR (cao su Phước Hòa) tăng 25%; VHG (Đầu tư cao su Quảng Nam) tăng 16,3%; TNC (cao su Thống Nhất) tăng 13,6%; DPR (cao su Đồng Phú) tăng 3,6% so với thời điểm cuối tháng 2.

Tác động từ giá dầu, cao su

 
Cổ phiếu cao su tăng mạnh trong thời gian gần đây được bắt nguồn từ sự phục hồi của giá cao su thế giới. Kết thúc phiên giao dịch 10/3, hợp đồng tương lai cao su giao trên sàn Tocom đạt 173,7 yên/kg, tăng 18% so với mức đáy được thiết lập hồi đầu năm.
 
Việc các nhà sản xuất cao su lớn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia mới đây đã quyết định cắt giảm xuất khẩu 615 nghìn tấn cao su trong giai đoạn 6 tháng bắt đầu từ ngày 1/3/2016 là yếu tố quan trọng nhất giúp giá cao su được cải thiện.
 
Theo CTCK BSC, sản lượng được cắt giảm này tương đương 6% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, gấp 2 lần mức dư cung của năm 2016 và 23% lượng cao su tồn kho hiện nay.
 
Bên cạnh việc cắt giảm sản lượng, một yếu tố quan trọng khác giúp giá cao su phục hồi mạnh trong thời gian gần đây còn đến từ sự phục hồi của giá dầu thế giới. Bởi lẽ, việc giá dầu tăng sẽ kéo theo đà tăng của cao su tổng hợp (sản phẩm từ dầu mỏ) và người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay trở lại với cao su tự nhiên.
 
Thận trọng với đà tăng mạnh của cổ phiếu, cao su tự nhiên có thể chỉ tăng ngắn hạn
 
Mặc dù tăng khá mạnh trong thời gian gần đây, tuy nhiên những rủi ro với ngành cao su vẫn còn rất lớn. Đầu tiên là việc cắt giảm sản lượng chỉ được diễn ra trong 6 tháng nên tác động lên giá cao su chỉ mang yếu tố ngắn hạn.
 
Về dài hạn, triển vọng ngành cao su vẫn bị đặt dấu hỏi trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
 
CTCK Bảo Việt (BVSC) trong một bản tin nhận định cho rằng nhóm cổ phiếu cao su sẽ sớm gặp phải áp lực chốt lời sau giai đoạn tăng mạnh từ đầu năm. Do đó, nhà đầu tư ngắn hạn được khuyến nghị nên hạn chế mua đuổi giá cao với cổ phiếu trong giai đoạn này.
Nguồn: Trí Thức Trẻ