Sau hơn 4 năm liên tục lao dốc, giá cao su thế giới đã bắt đầu phục hồi và tăng trở lại trong nửa cuối năm 2016.
Giá
cao su thế giới đã có sự phục hồi đáng kể trong quý III. Giá cao su latex của Malaysia đạt mức trung bình 1,1 USD một kg, tăng 5,7% so với mức trung bình cùng kỳ 2015. Giá cao su trên sàn giao dịch Tokyo hiện đã đạt gần 195 yen một kg, tăng 29,3% so với thời điểm đầu năm.
Trong báo cáo phân tích mới công bố, nhóm nghiên cứu Công ty chứng khoán Bảo Việt cho biết, nhờ giá cao su thế giới cuối tháng 9 cao hơn 30% so với đầu năm giúp mặt bằng giao dịch trong nước có những chuyển biến tích cực. Mức trung bình đạt 30 triệu đồng mỗi tấn, cao hơn 15% so với kế hoạch.
Còn theo bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán BIDV, giá cao su trong nước được dự báo sẽ giao dịch ổn định ở mức 30-31 triệu đồng mỗi tấn trong những tháng cuối năm, cao hơn 12% so với giá bán trung bình trong quý IV/2015.
Diễn biến nói trên nhờ vào thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Hội đồng Cao su Quốc tế ba bên (ITRC) bao gồm: Thái Lan, Indonesia và Malaysia vào tháng 2/2016; ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng La Nina lên sản lượng của các nước sản xuất lớn và diễn biến nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu tăng cao trong những tháng cuối năm.
Hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp cao su theo đó được dự báo sẽ có chuyển biến tích cực trong những tháng cuối năm, đặc biệt là kỳ vọng biên lãi gộp từ hoạt động bán mủ cao su được cải thiện.
gia-cao-su-phuc-hoi-giup-doanh-nghiep-thoat-canh-ban-vuon
Theo dự báo của Chứng khoán BIDV về kết quả kinh doanh từ hoạt động cao su quý IV, Cao su Tây Ninh (Mã CK: TRC) dự kiến đạt mức lợi nhuận trước thuế hơn 43 tỷ đồng, tăng 48% cùng kỳ; Cao su Phước Hòa (Mã CK: PHR) dự kiến đạt khoảng 20 tỷ đồng, tương đương 70% cả năm 2015, hay Cao su Đồng Phú tăng lãi 10 lần so với cùng kỳ.
Nhận định chung của các công ty chứng khoán đều cho rằng, do độ trễ so với giá thế giới từ 2 đến 3 tháng nên giá cao su trong nước có khả năng sẽ còn tiếp tục ổn định trong quý IV năm nay và duy trì trong năm tới. Hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp trong ngành ở 3 tháng cuối năm sẽ kỳ vọng sẽ tiếp tục ở chiều hướng tích cực và việc "sống" nhờ vào bán vườn cây cao su sẽ giảm đáng kể.
Câu chuyện của ngành cao su bắt đầu từ cách đây hơn 4 năm khi giá cao su thế giới bắt đầu suy giảm do kết quả của việc dư cung trong thời gian dài và nhu cầu yếu đến từ thị trường tiêu thụ chính là Trung Quốc, khi nền kinh tế đứng thứ hai thế giới rơi vào giai đoạn thoái trào.
Đà lao dốc của giá cao su gia tăng nhanh với tốc độ giảm bình quân 2 con số kể từ giữa năm 2011. Đến đầu năm 2016, giá cao su tại thị trường Tokyo chỉ còn chưa tới 150 yen một kg, giảm gần 70% so với mức đỉnh trước khi sụt giảm hơn 475 yen mỗi kg.
Vấn đề này đã tác động trực tiếp đến hoạt động của những doanh nghiệp cao su trong nước. Từ mức lợi nhuận hơn 600 tỷ đồng năm 2012, đến năm 2015 lợi nhuận sau thuế của Công ty Cao su Phước Hòa chỉ còn hơn 200 tỷ đồng. Kết quả tương tự cũng xảy ra với hai doanh nghiệp lớn trong ngành là Cao su Đồng Phú và Cao su Tây Ninh, thậm chí mức sụt giảm còn cao hơn.
Trong khi đó, những doanh nghiệp lớn gia nhập vào đúng thời điểm giá cao su đạt đỉnh như Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) phải gánh chịu ảnh hưởng nặng nề, khi giá cao su thành phẩm sau quá trình đầu tư không đạt so với kế hoạch đưa ra trước đó. Đến quý III, mảng cao su của tập đoàn vẫn chịu lỗ gần 30 tỷ đồng.
Trước tình cảnh giá bán không đủ bù đắp chi phí khai thác, phần lớn lợi nhuận của các doanh nghiệp cao su không đến từ hoạt động cốt lõi mà đến từ việc thanh lý vườn cây. Như trường hợp Cao su Phước Hòa, lợi nhuận từ thanh lý vườn cây trong 9 tháng đầu năm đạt hơn 111 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 69% tổng lợi nhuận trước thuế. Trong khi, Cao su Đồng Phú đã thanh lý toàn bộ 460 ha theo kế hoạch thu về 56 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, chiếm hơn 64% tổng lợi nhuận trước thuế.
Tuy nhiên, đà giảm của giá cao su thế giới đã bắt đầu chững lại và đảo chiều trong những nửa cuối năm 2016 được dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp trong ngành xoay chuyển tình thế.