Ngỡ ngàng cao su Tây Bắc đón những giọt ‘vàng trắng’ đầu tiên

17/10/2016
Ngỡ ngàng cao su Tây Bắc đón những giọt ‘vàng trắng’ đầu tiên
Những ngày đầu tháng 10, chúng tôi trở lại vùng cao su Tây Bắc với một cảm xúc đầy ngỡ ngàng, trên hết là sự cảm phục. Hàng nghìn hecta đồi hoang hóa, SX kém hiệu quả của tỉnh Lai Châu năm nào, giờ đây đã trở thành những cánh rừng cao su dài tít tắp……
Những giọt “vàng trắng” đang chảy rần rần trong từng thớ gỗ, hứa hẹn một tương lai tươi sáng cho cây  cao su Tây Bắc. Một rừng cây, một đời người. Giữa cánh rừng cao su xanh tốt kia là hàng nghìn con người cần mẫn ươm từng gốc cây, vén từng hòn đất. Để rồi, khi những giọt “vàng trắng” đầu tiên chảy xuống, họ mừng vui, phấn khởi đến nghẹn ngào.
 
Nông trường cao su Lùng Thàng nằm tít xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ, cách TP Lai Châu chừng 45km. Con đường vào Lùng Thàng nay đã bớt khó khăn, nhưng nhiều đoạn còn ổ trâu, ổ voi, một bên đá sạt lở. Nhưng chỉ cần tới đầu nông trường, bao nhiêu mệt mỏi của chúng tôi liền tan biến. Bên đường, những hàng cao su xanh tốt, cao sừng sững hiện ra.
 
Ông Lò Văn Thương, Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu nhớ lại, công cuộc phát triển cao su ở vùng đất này dài và đầy khó nhọc. Năm 2006, khi có chủ trương, Cty liền về vùng đất Tam Đường khảo sát địa hình nhưng đành trở ra tay trắng. Một ý tưởng táo bạo, chuyển về Sìn Hồ, vùng đất thấp hơn. Nhưng Sìn Hồ lại là vùng đất đồi rừng luân canh, bạc màu, có tiếng là nghèo kiệt….
 
Khi đó, Cty phải thành lập tổ công tác xuống bản, vận động người dân, gom đất trồng cao su. Sở NN-PTNT đưa loại máy “ba chân” xuống đo đạc, phân định mốc giới. Nhưng loại máy này vô dụng vì khắp nơi cỏ mọc um tùm. Rất may, sau đó có sự hỗ trợ của lực lượng kiểm lâm, dùng máy định vị GPS mới đo đạc được”, ông Thương kể.
 
 
Chật vật mãi, đến đầu năm 2007, đơn vị này mới gom được vỏn vẹn 20ha đất. Nhưng chỉ một năm sau, diện tích đất gom được lên tới hơn 1.000ha. Cùng năm, hơn 400ha cao su đầu tiên được ươm mầm trên mảnh đất Sìn Hồ. Thêm một năm nữa, tổng diện tích cao su Cty này trồng được là hơn 2.000ha.
 
Khó khăn chưa dừng lại, sau trận rét đậm, rét hại năm 2010, nhiều diện tích cao su mới trồng có dấu hiệu bị kiệt sức và chết. Đơn vị dùng nhiều cách để khắc phục, tuy nhiên lượng cây vẫn bị thiệt hại đáng kể. May mắn thay, cùng lúc Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam cho ra đời giống cao su có khả năng chịu lạnh như thổi một làn gió mới về Lai Châu nói riêng, vùng Tây Bắc nói chung.
 
Đặt chân tới Lùng Thàng những ngày này, chúng tôi có thể cảm nhận được sự phấn khởi, hân hoan của những con người gắn bó với cây cao su. Vàng Văn Bô, người dân tộc Lự, ở bản Can Hồ, xã Lùng Thàng, tay thoăn thoắt cạo mủ, tươi cười trò chuyện. Bô về đầu quân cho nông trường từ năm 2010, nay vừa tròn 6 năm ròng….
 
Với 6 năm tay nghề, Bô nhận chăm sóc, cạo mủ cho 3 khu, khoảng hơn 1.000 cây. Công việc của Bô bắt đầu từ 5h sáng cho tới khoảng 8h30 thì về nghỉ. Chiều thì quay lại kiểm tra, dọn dẹp sạch sẽ vùng được phân công. Bô bảo, làm mãi cũng quen, mà làm mãi thành ra “nghiện”. Ngày nào cũng phải ra vườn, nhìn từng cây cao su mình chăm sóc phát triển xanh tốt từng ngày cũng khá thú vị.
 
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu kiểm tra từng ca mủ cao su.
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu kiểm tra từng ca mủ cao su.
Anh Hoàng Văn Cảnh, GĐ Nông trường Cao su Lùng Thàng phấn khởi, dẫn chúng tôi đi tham quan một vòng. Vị GĐ nông trường cũng là một trong những người ươm cao su đầu tiên ở Lùng Thàng. Anh nhớ từng khu, khu nào có bao nhiêu cây, bao nhiêu cây cho lấy mủ đều nhớ hết. Chỉ tay lên cây cao su có đánh số 31/19/23, anh bảo, từng con số đều có ý nghĩa riêng của nó.
 
31/19/23 có nghĩa đó là hàng cây thứ 31, hiện có 19/23 cây có thể cho cạo mủ. Để có tỉ lệ chuẩn nhất việc đo vanh được xác định đo cách mặt đất 1m, vòng vanh đạt từ 50cm trở lên. Đối với cây đạt tiêu chuẩn sẽ được đánh dấu X bằng sơn, để khi khai thác công nhân không cạo nhầm. Cứ thế, anh kể chuyện một cách say sưa, chuyện ăn ở, sinh hoạt của anh em công nhân, nói ra cả ngày chẳng hết chuyện….
 
Vàng Văn Bô tỉ tê, trước đây chẳng bao giờ nghĩ sẽ có một ngày vùng đất Lùng Thàng trở nên tươi đẹp, khang trang như vậy. Nơi Bô đang đứng, trước đây vốn là một quả đồi chỉ toàn cỏ lau lách, cây bụi. Làm 1, 2 vụ ngô, đất bạc màu lại chuyển đi đốt rừng làm nương rẫy. Cuộc sống luẩn quẩn mãi trong đói nghèo, bất ổn. Giờ mỗi tháng, Bô được trả lương 2,5 triệu đồng, chưa kể các khoản phụ cấp. Chàng trai dân tộc Lự bảo với chúng tôi, chắc sẽ gắn bó, yêu công việc này dài dài…. 
Sản lượng bất ngờ
 
Riêng năm nay, Cty CP Cao su Lai Châu tiếp tục trồng mới được 73,27ha cao su. Tổng diện tích cao su đã trồng của đơn này cho tới nay đạt 6.958ha. Trong đó, huyện Sìn Hồ là 6.017ha và huyện Phong Thổ là 939,09ha. Trải qua 8 năm triển khai trồng và phát triển, quy mô, diện tích cây cao su ngày một mở rộng. Hiện tại, diện tích cao su trồng năm 2008 được khai thác là hơn 71ha. Tuy nhiên, đây mới chỉ là dấu hiệu của những giọt “vàng trắng” sau này.
 
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu cho biết, đơn vị bắt đầu cho mở cạo từ 9/8/2016. Tính đến ngày 12/10, tổng sản lượng mủ cao su đông (chưa quy khô) đã thu được là 20 tấn/71ha. Trung bình, năng suất mỗi hecta đạt từ 7 – 8 tạ mủ….
 
Ngay từ năm đầu mở cạo, sản lượng mủ cao su đã vượt chỉ tiêu VRG đề ra.
Ngay từ năm đầu mở cạo, sản lượng mủ cao su đã vượt chỉ tiêu VRG đề ra.
Theo chỉ tiêu Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) giao, Cty mở cạo trong năm đầu (từ tháng 4 tới tháng 12) phải đạt năng suất 6 tạ/ha/năm. Như vậy, ngay trong trận “mở màn”, Cty CP Cao su Lai Châu đã vượt chỉ tiêu đề ra từ 1 – 2 tạ/ha/năm. Đây dường như là câu trả lời cho sự hồ nghi về tiềm năng của cao su Tây Bắc của nhiều người.
 
Dự kiến, đến năm 2017, Cty CP Cao su Lai Châu sẽ mở rộng diện tích cạo mủ lên 1.030ha. Đồng thời, tại xã Nậm Tăm (huyện Sìn Hồ), đơn vị này sẽ cho xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su, bao tiêu sản phẩm cả cho diện tích cao su tiểu điền trên địa bàn. Nhà máy được xây dựng trên khuôn viên rộng 14ha, công suất gia đoạn 1 là 3.000 tấn/năm, dự kiến khởi công vào quý II/2017…. 
 
 
Qua kiểm tra thực tế, ông Thắng đánh giá, khả năng cây cao su vẫn đang phát triển rất tốt, cho lượng mủ chất lượng cao, ổn định. “Từ năm thứ 2 đi vào khai thác, chất lượng cũng như sản lượng mủ sẽ ổn định hơn. Năng suất dự kiến đạt khoảng 0,8 – 1 tấn/ha/năm. Ngày 16/10 tới đây, chúng tôi sẽ ký kết hợp đồng với một đơn vị bao tiêu sản phẩm, về đầu ra hoàn toàn có thể yên tâm”.
 
Bên cạnh những thành công bước đầu, theo ông Thắng, vẫn còn đó nhiều khó khăn trước mắt. Hiện tại, Cty đang ký hợp đồng làm việc với 813 lao động trực tiếp, 42 bảo vệ. Trong đó chủ yếu là người dân tộc thiểu số bản địa, chiếm 87,6%. Trong thời điểm giá cao su xuống thấp, Cty vẫn luôn chăm lo đời sống người lao động. 100% lao động chính thức được đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Nhà nước. Tại các nông trường, đơn vị này cũng xây dựng 17 nhà công nhân, 32 nhà đội, tạo điều kiện sinh hoạt vật chất lẫn văn hóa tinh thần tốt nhất cho đội ngũ lao động…
 
Ông Thắng chia sẻ, một Cty, một nông trường muốn hoạt động tốt phải có sự gắn kết. Ngoài những thứ kể trên, làm sao phải tạo điều kiện để người dân được đào tạo, tập huấn kỹ thuật. Về đây mới thấy, một cây cao su cũng như một con người, phải biết nâng niu trân trọng. Chỉ có cây cao su chết mới không cho mủ. Một con người, nếu biết gắn kết, hướng dẫn tận tình sẽ trở thành người có ích!… 
Mỹ Hằng
caosu.net.vn