Theo AsemconnectVietnam, Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines đang nỗ lực kêu gọi các thành viên Nội các ủng hộ việc hoãn mở cửa thị trường cho gạo nhập khẩu vào năm tới, với lý do nông dân nước này cần có thêm thời gian để chuẩn bị cho việc cạnh tranh với gạo nhập khẩu giá rẻ hơn. Tuy nhiên, đề xuất trên đã bị bác bỏ, như vậy tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn còn trước mắt.
* Vì sao xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm bị giảm?
Cụ thể, ban tư vấn kinh tế của Tổng thống Rodrigo Duterte đã quyết định sẽ không tìm cách để được gia hạn việc hạn chế nhập khẩu gạo – sẽ hết hạn vào tháng 6/2017 theo thỏa thuận với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Như vậy, việc Philippines xóa bỏ hạn chế sẽ là tin vui đối với hai nước xuất khẩu gạo lớn là
Thái Lan và Việt Nam – những nước cung cấp chính ở tất cả các cuộc mở thầu mua gạo của Philippines.
Được biết, Philippines là một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Quốc gia Đông Nam Á này đã duy trì việc hạn chế nhập khẩu từ năm 1995 khi gia nhập WTO – tổ chức đã cho phép Philippines gia hạn 2 lần việc hạn chế nhập khẩu gạo kể từ thời điểm đó. Mới đây nhất là năm 2014, Philippines đã được cho phép giữ hạn chế nhập khẩu gạo đối với lĩnh vực tư nhân cho tới tháng 6/2017, nhưng phải nâng hạn ngạch nhập khẩu hàng năm lên 805,000 tấn từ mức 350,000 tấn, và giảm thuế xuống 35% từ mức 40% trước đó.
Thông tin thêm, như tin đã đưa từ TBKTSG, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2016 ước đạt 3.76 triệu tấn, giảm 16.4% về lượng và giảm 12.5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Một phần nguyên nhân đến từ việc
thị trường truyền thống của Việt Nam như Philippines, Malaysia…, năm nay nhu cầu nhập khẩu gạo không được như kỳ vọng. Theo đó, xuất khẩu gạo sang Philippines giảm 67.4%; Malaysia (-43.3%); Singapore (-35.7%); Bờ Biển Ngà (-25.3%); Đài Loan (-14.1%) ...