Sẽ giảm xuất khẩu cao su thô

05/05/2016
Sẽ giảm xuất khẩu cao su thô
Tăng công nghiệp chế biến, giảm xuất khẩu thô cũng như vận động việc sử dụng sản phẩm cao su trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao giá trị gia tăng ngành cao su.
 Đó là chia sẻ của ông Võ Hoàng An, Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam tại lễ khai mạc Triển lãm thương mại quốc tế về các lĩnh vực giấy, cao su và mực in ngày 26/4.
 
Theo ông Võ Hoàng An, ngành cao su thế giới nói chung và Việt Nam hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá dầu thô, nguyên liệu vẫn giảm sâu do tình hình cung vượt cầu.
 
Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Thống kê, diện tích cây cao su của Việt Nam năm 2015 đạt 981 nghìn ha, sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn/năm, đơn giá xuất khẩu bình quân là 1.347 USD/tấn. Riêng công nghiệp chế biến sản phẩm cao su đã tăng lợi nhuận trong những năm qua do giá cao su nguyên liệu đầu vào giảm sâu.

Ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam tại lễ khai mạc triển lãm các ngành giấy, cao su và mực in.
 
Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2015 đạt 1,420 tỷ USD, trong đó sản phẩm lốp xe có giá trị xuất khẩu cao nhất đạt 523 triệu USD năm 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2011 đến 2015 đạt khoảng 14%/năm. Tuy vậy Việt Nam cũng phải nhập nhiều loại lốp xe trong nước chưa sản xuất được cũng như chưa đáp ứng được các yêu cầu đối với người tiêu dùng, giá trị nhập khẩu lốp xe vào Việt Nam năm 2015 đạt 416 triệu USD, tăng 23% so với năm 2014.
 
Về vấn đề này, ông Bùi Trường Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công thương cho biết, hiện Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng cao su, đứng thứ 4 thế giới về xuất khẩu cao su thường niên nhưng giá trị gia tăng của sản phẩm cao su còn thấp. Trong khi đó, giá trị kim ngạch xuất khẩu của gần 90% sản lượng cao su nguyên liệu mới chỉ tương đương gần 10% giá trị của sản lượng cao su được chế biến thành phẩm và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu nhiều vật tư và phụ tùng.
 
Thông tin thêm, ông Võ Hoàng An cho biết, hiện nay ngoài thực hiện xây dựng chiến lược dài hạn để tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ngành cao su cũng đang điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm để tăng cường công nghiệp chế biến, giảm xuất khẩu thô. Đồng thời, một mặt kiềm chế sản phẩm cao su nguyên liệu và tập trung vào giảm giá thành sản phẩm cũng như vận động việc sử dụng cao su chế biến trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro và nâng cao giá trị gia tăng của ngành cao su
Theo Mai Đan (Thời báo Tài chính Việt Nam)